Startup công nghệ bị chê “viển vông”, “phí tuổi thanh xuân” trên sóng Shark Tank

Startup đầu tiên đã xuất hiện trong tập 15 của Shark Tank mùa 4 phát sóng tối 8/8 là Trần Thu Hằng. Cô là nhà sáng lập công ty cổ phần iAI – Ứng dụng MoneyBot và Nguyễn Đức Giang – đồng sáng lập. Thu Hằng và Đức Giang đến Shark Tank để tìm kiếm cơ hội đầu tư 1,5 tỉ đồng cho 10% cổ phần.

Đội ngũ sáng lập ứng dụng MoneyBot.

Chia sẻ về ý tưởng phát triển ứng dụng, Thu Hằng cho biết, các ứng dụng tài chính cá nhân phổ biến trên thị trường đã cũ và không mang lại được trải nghiệm mới mẻ cho người dùng. Chính vì trăn trở đó, ứng dụng quản lý tài chính cá nhân MoneyBot đã ra đời. Đây là ứng dụng miễn phí, ở thời điểm ghi hình vẫn đang trong quá trình hoàn thiện sản phẩm.

Theo chia sẻ của nhà đồng sáng lập, đây là ứng dụng đầu tiên và duy nhất trên thị trường hiện nay có tính năng chatbot và áp dụng AI để hỗ trợ người dùng nhập thông tin chi tiêu dưới 3 dạng: Tin nhắn văn bản, tin nhắn âm thanh và chụp các hóa đơn. Ngoài ra, MoneyBot còn phân tích thói quen chi tiêu của người dùng để đưa ra lời khuyên. Định hướng tiếp theo của MoneyBot là tích hợp với ví, ngân hàng và bảo hiểm để trở thành đơn vị phân phối sản phẩm và dịch vụ của ngân hàng và bảo hiểm.

Doanh thu của MoneyBot đến từ lượt tải trên Google Play Store và App Store, bán tài khoản cao cấp (Premium) và quảng cáo. Gói Premium được bán với giá 19.000 đồng/tháng và 89.000 đồng/năm. Doanh thu từ quảng cáo sẽ chiếm phần lớn, tuy nhiên đại diện MoneyBot chưa đưa ra được con số cụ thể. Còn việc tích hợp với bảo hiểm và ngân hàng sẽ là giai đoạn sau khi đưa sản phẩm ra thị trường.

Shark công nghệ Nguyễn Hòa Bình.

Nghe startup trình bày, shark Bình lập tức lên tiếng: MoneyBot bản chất là ứng dụng ghi sổ, ghi và thống kê các hạng mục chi tiêu. Shark cho biết, trên App Store có hàng nghìn ứng dụng miễn phí cho việc ghi sổ này rồi.

Shark công nghệ phân tích thêm, hiện nay có 3 cách để nhập chi tiêu: Nhập thông qua ngân hàng, số dư tài khoản; qua thẻ; và phương pháp phổ biến nhất hiện nay là nhập tay. Shark Bình nhận xét, các tính năng chatbot, chat trong app, đưa chatbot vào phân tích,… của MoneyBot không có gì mới hay phức tạp.

Về mặt kỹ thuật, MoneyBot không có gì đặc biệt hay bí quyết. Bên cạnh đó, MoneyBot còn ra mắt tương đối muộn, cơ hội thị trường đã qua mất nên shark Bình khuyên đội ngũ MoneyBot không nên đi theo hướng này nữa. “Chúng ta không nên sáng chế lại cái bánh xe”, shark Bình nói.

Ngược quan điểm với shark Bình, shark Hưng cho rằng, startup vẫn có thể đi theo hướng này nhưng phải nghĩ theo mô hình khác. Vì mô hình kinh doanh của startup đang thu tiền một cách rất truyền thống, khó tăng trưởng lớn.

Dàn “cá mập” tại Shark Tank mùa 4 tập 15.

Lúc này, Nguyễn Thị Tú Sương – đồng sáng lập iAI xuất hiện. Theo Tú Sương, nhu cầu người dùng về thị trường ứng dụng trong năm 2016 – 2020 đã tăng hơn 400%, trong đó người dùng đang rất quan tâm đến mảng tài chính. MoneyBot kỳ vọng là 5 năm sẽ đạt 1 triệu người dùng. Để làm được điều này, MoneyBot cũng đang xây dựng chiến dịch marketing, vào các trường đại học tổ chức hội thảo hoặc chiến dịch để thu hút sinh viên tải ứng dụng, dùng các KOLs nhỏ lẻ để lan truyền, thông qua Shark Tank để lan rộng sản phẩm,…

“Kỳ vọng viển vông… Bởi vì hiện nay đang có rất nhiều lựa chọn sẵn có trên thị trường và người ta đã phát triển hàng chục năm nay rồi”, shark Bình nhận định và khuyên “các em suy nghĩ lại, đỡ phí tuổi thanh xuân và tiền của các shark”.

Các tính năng của MoneyBot là bình thường với trình độ công nghệ hiện nay. Nhiều ứng dụng hiện nay còn miễn phí hoàn toàn và kiếm tiền từ quảng cáo chứ không chỉ miễn phí 6 tháng như Moneybot. Bên cạnh đó, vì ra đời muộn nên chắc chắn phải mất gấp 3 lần chi phí để giành khách hàng từ tay đối thủ đi trước, shark giải thích.

Tuy nhiên, Thu Hằng khẳng định, công nghệ sinh ra để phục vụ cho người dùng thuận tiện hơn: “Kể cả công nghệ cao siêu thế nào mà không áp dụng được vào thì đấy là công nghệ vứt đi”. Chính vì vậy, cô tự tin mình có một ứng dụng với công nghệ đơn giản nhưng mang lại trải nghiệm tốt hơn cho người dùng, nhanh chóng hơn và thú vị hơn các đối thủ đi trước.

“Tôi khuyên các bạn nên dừng lại, dùng năng lực của mình để làm thứ mới thì mới thuyết phục được nhà đầu tư hơn nhiều. Với tình trạng hiện tại, tôi không đầu tư”, shark Bình kết luận.

Không khuyên MoneyBot dừng lại nhưng shark Hưng mong startup nên thay đổi mô hình. Shark nhận thấy MoneyBot khá chơi vơi vì startup không có năng lực cạnh tranh cốt lõi. Tuy nhiên, shark Hưng đánh giá cao tính năng chia sẻ hóa đơn của MoneyBot vì có thể “MGM – Member Get Member khiến người bên cạnh phải cài app”. Với những phân tích của mình, shark Hưng cũng từ chối đầu tư.

Giống như shark Hưng, shark Liên cũng không khuyên startup dừng lại vì làm gì cũng phải yêu thích, và yêu thích thì chúng ta phải đi tới cùng. Thế nhưng, shark Liên cho rằng, MoneyBot nên chuyển mô hình khác đi. “Tôi không đầu tư nhưng tôi sẽ là khách hàng của các bạn”, shark Liên kết luận.

Shark Phú là vị “cá mập” tiếp theo từ chối đầu tư và khuyên MoneyBot nên tìm kiếm các nhà đầu tư thiên thần thì phù hợp hơn với giai đoạn hiện tại.

Shark Linh nhận định, MoneyBot đã bắt đầu đúng khi phát triển ứng dụng dựa trên “nỗi đau” trong trải nghiệm của người dùng. Tuy nhiên, shark Linh lo rằng startup chưa phân tích đủ các hướng kế tiếp. Công ty này cũng còn hơi trẻ. Vì vậy, shark Linh không đầu tư.

Công nghệ | Tổng hợp tin tức Công nghệ mới nhất

Trả lời

Dụng Cụ Cắt / Dụng Cụ Cắt Giá Rẻ / Bán Buôn Dụng Cụ Cắt