Quảng Trị: Chuyển đổi số “đòn bẩy” thúc đẩy nông nghiệp phát triển

Chuyển đổi số như “làn gió mới” thúc đẩy phát triển nông nghiệp

Quảng Trị đã ban hành Kế hoạch chuyển đổi số, trong đó nông nghiệp được xác định là một trong 8 lĩnh vực ưu tiên tập trung thực hiện chuyển đổi số đến năm 2030. 

Hiện nay, UBND tỉnh Quảng Trị đang xây dựng Đề án “Chuyển đổi số trong nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” nhằm đề ra lộ trình, định hướng, giải pháp để thực hiện chuyển đổi số hiệu quả và bền vững. 

Nhiều thành tựu khoa học công nghệ như trí tuệ nhân tạo, internet vạn vật (IoT), dữ liệu lớn (Big Data), điện toán đám mây, viễn thám, GIS… đã được ứng dụng, thúc đẩy phát triển nông nghiệp thông minh, tạo ra sự đột phá về năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm nông nghiệp.

Quảng Trị: Chuyển đổi số "đòn bẩy" thúc đẩy nông nghiệp phát triển - Ảnh 1.

Với việc ứng dụng công nghệ số vào trong sản xuất, tỉnh Quảng Trị đang theo đuổi ước mơ trở thành “thủ phủ” nông nghiệp hữu cơ. Ảnh: Vũ Trung.

Trong lĩnh vực trồng trọt đã ứng dụng công nghệ cảm biến để điều khiển, theo dõi, giám sát từ xa quá trình chăm sóc cây trồng; ứng dụng quy trình công nghệ cao, internet vạn vật (IoT) vào sản xuất hoa lan đại hồ điệp, hoa lily, dâu tây, cà chua siêu ngọt, dưa lưới đã mang lại hiệu quả thiết thực; hơn 1.000ha lúa đã ứng dụng thiết bị không người lái (drone) vào chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh trên cây lúa.

Trong lĩnh vực chăn nuôi, ứng dụng công nghệ IOT, phần mềm ứng dụng kết nối internet và điện thoại thông minh giúp quản lý vật nuôi, dịch bệnh, môi trường chuồng trại, quản lý giết mổ, truy xuất nguồn gốc, công nghệ xử lý chất thải chăn nuôi.

Quảng Trị: Chuyển đổi số "đòn bẩy" thúc đẩy nông nghiệp phát triển - Ảnh 2.

Sản phẩm gạo hữu cơ Quảng Trị được thị trường ưa chuộng. Ảnh: Vũ Trung.

Trong lĩnh vực lâm nghiệp ứng dụng phần mềm theo dõi diễn biến rừng FRMS để cập nhật tất cả các lô rừng biến động trong từng năm trên địa bàn toàn tỉnh vào cơ sở dữ liệu và quản lý đồng bộ trên toàn quốc; sử dụng các phần mềm Mapinfo, Microstation, QGIS để quản lý, chuyển đổi và khai thác các dữ liệu bản đồ; ứng dụng công nghệ sinh học hiện đại trong nhân giống vô tính bằng công nghệ nuôi cấy mô tế bào.

Quảng Trị: Chuyển đổi số "đòn bẩy" thúc đẩy nông nghiệp phát triển - Ảnh 4.

Công nghệ số đang được tỉnh Quảng Trị ứng dụng vào nhiều lĩnh vực nông nghiệp như chăn nuôi, trồng trọt, thủy sản…. Ảnh: Bảo Ngọc.

Trong lĩnh vực thủy lợi và phòng chống thiên tai đã ứng dụng phần mềm Google Earth kết hợp bản đồ nền Map Info để quản lý cơ sở dữ liệu về thủy lợi, đê, kè và nước sạch nông thôn trên địa bàn tỉnh; hệ thống đo mưa tự động Vrain để dự báo lượng mưa, nhiệt độ phục vụ công tác dự báo hạn hán, mưa lũ trên địa bàn tỉnh.

Trong lĩnh vực chế biến nông lâm sản thủy sản ứng dụng máy bắn màu tự động, sử dụng dây chuyền bán tự động trong sơ chế bóc vỏ, chẽ hạt điều, dây chuyền chiết rót tự động cao dược liệu, ứng dụng hệ thống sấy lạnh sản phẩm nông sản, dược liệu, ứng dụng chuyển đổi số vào truy xuất nguồn gốc, kinh doanh. Ngoài ra, nhiều phần mềm, công nghệ hỗ trợ, chữ ký số được ứng dụng vào hoạt động quản lý, điều hành trong các cơ quan hành chính nhà nước…

Nhiều tiềm năng đi tắc đón đầu chuyển đổi số cho ngành nông nghiệp

Việc phát triển chuyển đổi số trong thời gian qua đã đem lại nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi số trong nông nghiệp của Quảng Trị vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức.

Hạ tầng phục vụ cho ứng dụng công nghệ mới chưa đồng bộ; hạ tầng phục vụ sản xuất, hạ tầng nông thôn chưa đáp ứng nhu cầu hiện đại hóa nông nghiệp. Khối lượng cơ sở dữ liệu yêu cầu số hóa lớn trong khi nguồn lực đầu tư còn ít. Năng lực ứng dụng công nghệ số của cán bộ hợp tác xã, người dân còn hạn chế, thiếu chuyên gia hỗ trợ.

Quảng Trị: Chuyển đổi số "đòn bẩy" thúc đẩy nông nghiệp phát triển - Ảnh 5.

Sử dụng drone để phun thuốc bảo vệ thực vật tại Hợp tác xã Diên Khánh, xã Hải Dương, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. Ảnh: Thục Quyên – Báo Quảng Trị.

Doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp còn ít, hầu như chưa có doanh nghiệp vừa và nhỏ, Hợp tác xã nông nghiệp thực hiện chuyển đổi số…. Phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, chú trọng nông nghiệp thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu là hướng đi trong thời gian tới của tỉnh. Do đó, việc phát triển hạ tầng, nền tảng số, công nghệ số, các cơ sở dữ liệu của ngành nhằm đổi mới công tác quản lý, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số của ngành nông nghiệp gắn với chính quyền số, kinh tế số và xã hội số của ngành là yêu cầu tất yếu.

Với nền tảng hạ tầng mạng viễn thông phát triển nhanh và phủ sóng khá rộng tỉnh Quảng Trị có nhiều tiềm năng để phát triển công nghệ số. Hiện nay, tỷ lệ phủ sóng hạ tầng internet băng rộng cố định đến trung tâm xã là 100%, đến thôn, bản, khu phố là 86%; tỷ lệ phủ sóng hạ tầng mạng viễn thông di động đến trung tâm xã là 100%; thôn, bản, khu phố là 97%; đã hình thành hệ thống thông tin phòng, chống, ngăn chặn thư rác và sao lưu dữ liệu.

Có trên 63% tổ hợp tác/hợp tác xã được trang bị máy tính, tỷ lệ máy tính được kết nối mạng Internet ước đạt trên 95,8%; 26,1% số người sử dụng thành thạo máy tính, 75,8% số hộ sản xuất nông nghiệp có điện thoại thông minh, trong đó 65,5% số hộ có điện thoại, máy tính kết nối internet, 84,8% số hộ sử dụng thành thạo điện thoại thông minh/máy tính.

 Đây là sẽ tiền đề và điều kiện rất quan trọng để tỉnh Quảng Trị đi tắt, đón đầu chuyển đổi số thành công trong nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Công nghệ | Tổng hợp tin tức Công nghệ mới nhất

Trả lời

Dụng Cụ Cắt / Dụng Cụ Cắt Giá Rẻ / Bán Buôn Dụng Cụ Cắt